Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ở đâu cũng thấy thực phẩm bẩn

(15:51:00 PM 31/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Chiều 30/12, Viện Vệ sinh y tế công cộng cho biết thêm, nhiều loại thực phẩm sử dụng thường xuyên trong ngày tết như rượu, chà bông, xúc xích, chả lụa, nem, lạp xưởng cũng có kết quả kiểm nghiệm... bẩn kinh khủng.

Đủ loại vi khuẩn, hoá chất 

Theo đó, qua kiểm tra 36 mẫu rượu được lấy ngẫu nhiên trên thị trường thì 72,2% đều không đạt chỉ tiêu Aldehyte. Cụ thể, tại địa bàn TPHCM có 50% các mẫu rượu không đạt. Riêng tại Tây Ninh, Long An, Tiền Giang số mẫu rượu không đạt lên đến 100%.

Thịt heo không đảm bảo ATVSTP bị cơ quan chức năng phát hiện tại TPHCM.
Thịt heo không đảm bảo ATVSTP bị cơ quan chức năng phát hiện tại TPHCM.

Tương tự, các mẫu thịt heo là nhóm thực phẩm được dùng hằng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình thì bẩn... khỏi phải bàn. Qua kiểm tra 18 mẫu thịt heo được lấy ngẫu nhiên tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ thì 100% các mẫu đều không đạt về 2 chỉ tiêu Ecoli (loại vi khuẩn gây bệnh và đứng hàng đầu trong căn bệnh tiêu chảy) và S.aureus (bệnh tụ cầu vàng). Ngoài ra, cũng tại các địa phương này, qua kiểm tra các mẫu chà bông đều không đảm bảo chất lượng về chỉ tiêu: Cyclamate (đường hóa học) và E.coli với tỉ lệ không đạt từ 60- 100% (100% mẫu chà bông (4/4) lấy ở Cần Thơ đều không đạt). 

Tại Bến Tre, qua lấy 16 mẫu bánh phồng sữa các loại thì toàn bộ 16 mẫu đều không đạt chỉ tiêu về DEHP (chất có nguy cơ gây vô sinh, rối loạn giới tính trẻ em mà báo chí liên tục đã phản ánh gần đây), Coliforms, Bcereus, mốc – men. Trong đó chỉ tiêu không đạt chủ yếu là DEHP (12/16 mẫu). 

Điểm nóng nhất về lượng tiêu thụ thực phẩm ở khu vực Nam Bộ là TPHCM, qua kiểm tra lấy mẫu các loại thực phẩm tết tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố như: Thịt, chà bông, xúc xích thanh trùng - jambon, lạp xưởng, nem, chả lụa, Viện Vệ sinh y tế đã công bố kết quả kiểm nghiệm mới nhất với tỉ lệ không đạt rất cao. Cụ thể: Gần 47% số chà bông không đạt về Kali sorbae, Ecoli, Coliform, chì; 80% số lạp xưởng không đạt về: Phẩm màu, tổng số vi khuẩn hiếu khi, Salmonella, Cl.perfringens, chì; gần 77% số xúc xích thanh trùng - jambon không đạt về vi khuẩn hiếu khí, E.coli, Coliforms, Salmonella, S.aureus, chì; trên 95% số chả lụa có Natri benzoate (chất bảo quản cấm dùng đối với thực phẩm dành cho trẻ em), Kali sorbate, hàn the...; 66,67% các loại nem không đạt về Kali sorbate, Ecoli, Coliforms, chì. Riêng các loại rau xanh như giá sống, bắp chuối, cà chua, xà lách, khổ qua..., tỉ lệ nhiễm khuẩn Coliforms, Salmonella, chất tẩy trắng (có nguy cơ bào mòn dạ dày) lên đến trên 96-100%. 

Ăn chi toàn là đồ bẩn!

Qua kiểm tra thực tế mới đây nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại chợ hóa chất sỉ, bếp ăn công nghiệp tại TPHCM và sau khi nghe báo cáo thực trạng về nguồn thực phẩm bẩn như: 100% mứt các loại thì ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh..., Bộ trưởng đã thốt lên: “Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn !”. Tính đến thời điểm này, tại TPHCM, khả năng tự cung cấp thực phẩm của thành phố chỉ đạt khoảng 15-20%, số còn lại phải nhập khẩu. Điều đáng nói, phần lớn lượng thực phẩm đều không kiểm soát được nguồn gốc. 

Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố - thừa nhận xuất hiện tình trạng sử dụng giấy kiểm dịch động vật giả mạo, ngụy trang cao cấp, sử dụng địa chỉ “ma”, chủ hàng “bỏ của chạy lấy người” khi phát hiện...

Khó khăn nhất hiện nay trong việc kiểm tra nguyên liệu về thủy hải sản theo ông Trần Đình Vĩnh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thành phố - đó là: “Trong khi tất cả các ngành khác đều có giấy tờ làm căn cứ thì bên thuỷ sản không có mảnh giấy lận lưng”. 

PGS-TS Lê Hoàng Ninh - Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM - cho biết, 30% số vụ ngộ độc là không tìm ra nguyên nhân, còn các vụ đã xác định đựơc thì do 50% là vi trùng và 50% do là hóa chất.   

Để giải quyết thực trạng trên, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, ủy ban đã dự trù chi gần 60 tỉ đồng triển khai thực hiện đề án “xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn giai đoạn 2011-2015”. Mục tiêu đề án là nhằm giám sát và đảm bảo được chất lượng ATVSTP các loại thực phẩm chuỗi, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 

Câu hỏi được đặt ra: Đến bao giờ bữa ăn của người dân mới được dùng thực phẩm an toàn?

Võ Tuấn (Lao động)