(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Hệ thống thủy điện ở tỉnh Phú Yên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân sinh
Tỉnh Phú Yên có 3 công trình thủy điện là Krông H’Năng, sông Ba Hạ và sông Hinh. Điều đáng nói là để xây dựng hồ thủy điện, đã có hàng ngàn hecta đất nông nghiệp của người dân bị giải tỏa.
Dân nghèo mất đất
Thủy điện sông Hinh hoạt động hơn 10 năm nay nhưng vẫn không thể giải quyết định canh cho người dân các xã EaTrol, Sông Hinh, Đức Bình Đông do bị mất gần 1.000 ha đất sản xuất. Khu tái định cư buôn Mùi, xã EaTrol phải di dời 198 hộ, nhưng có đến 31 hộ không còn đất canh tác, chính quyền địa phương phải thường xuyên cứu đói. “Người dân trong vùng quy hoạch thủy điện khó khăn hơn nhiều so với trước đây vì mất đất sản xuất” - ông Trần Thơ Ấu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, bức xúc.
Nhiều đoạn sông đã chết do thủy điện không trả nước theo quy định
Để xây dựng thủy điện sông Ba Hạ (huyện Sơn Hòa), ít nhất trên 3.000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai bị giải tỏa trắng. Theo ông Lê Thanh Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, việc tái định canh và chuyển đổi nghề cho dân của chủ đầu tư hiện vẫn ì ạch, đã đẩy người dân vào chỗ phá rừng. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, việc mất đất sản xuất của người dân không thể đổ lỗi cho công ty. “Khi quy hoạch xây dựng thủy điện, thiết kế đã nêu rõ sẽ có bao nhiêu diện tích bị ngập và chính quyền địa phương đã đồng ý cho xây dựng” - ông Tuần nói.
Ngoài ra, hàng chục vạn dân sống ở vùng hạ lưu cũng lâm vào cảnh khó khăn, do thủy điện xả lũ vào mùa lụt, khô kiệt nước sản xuất, sinh hoạt vào mùa nắng. “Khi xây dựng, thủy điện đã vẽ lên một bức tranh tuyệt vời, nhưng giờ trở thành… xám xịt. Càng có nhiều công trình thủy điện thì tình trạng khô hạn vùng hạ lưu càng trở nên nghiêm trọng” - bà Đặng Thị Lành, Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên, khẳng định.
Nguy cơ sa mạc hóa
Sau khi các nhà máy thủy điện chặn dòng, nhiều đoạn trên hai con sông Hinh, sông Ba đã “chết” do các nhà máy không “trả nước” đúng quy định. Ông Chế Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, nói: “Đối với các nhà máy thủy điện, giữ nước là… giữ tiền, xả nước là… mất tiền, nên họ không tuân thủ quy định”. Trong khi đó, ông Đặng Văn Tuần thừa nhận chỉ trả nước về sông những khi cần thiết.
Thực tế cho thấy dọc sông Ba ở hạ lưu chỉ trừ những ngày lũ, còn lại trơ ra nhiều bãi cát mênh mông, thảm thực vật hai bên dòng sông cũng không còn xanh tốt như trước đây.
Nguy cơ sa mạc hóa càng được… “đẩy nhanh tiến độ” khi một diện tích lớn rừng bị mất, trong khi việc trồng lại rừng theo quy định không được các chủ đầu tư nhà máy thủy điện quan tâm. Để xây dựng 3 nhà máy thủy điện, đã có khoảng 3.600 ha rừng bị mất, trong đó có nhiều diện tích rừng đầu nguồn, đặc dụng. “Tôi nghĩ rồi đây nhiều vùng đất trên địa bàn huyện sẽ bị sa mạc hóa” - ông Lê Thanh Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, lo lắng. Ông Nguyễn Thái Học, Phó chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, nhìn nhận: “Việc xây dựng các thủy điện không phủ nhận mặt lợi là có thêm nguồn điện nhưng đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân và môi trường sinh thái”.
Nhà máy thủy điện né đoàn đại biểu Quốc hội
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên mới đây đã tiến hành lập biên bản về việc Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Ba Hạ không hợp tác khi đoàn tiến hành giám sát hoạt động nhà máy. Theo biên bản, mặc dù đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên gửi toàn bộ các quyết định và kế hoạch giám sát theo yêu cầu của phía nhà máy nhưng khi đoàn đến đã không có lãnh đạo của nhà máy này. Nhân viên nhà máy cho biết họ không có thẩm quyền để hợp tác giám sát.
|