Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Từ Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, chúng tôi theo tuyến T93 vào rừng. Từ đây rẽ vào tuyến 35 rồi qua T29. Dọc theo con lộ nhựa xuyên rừng là những xóm làng dù còn bộn bề, nhưng bước đầu đã định hình được trên vùng đất mới. Nhiều căn nhà mới được xây cất khá tươm tất mọc lên như minh chứng cho nghị lực của người dân dưới tán rừng quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Kinh tế rừng phát triển
Thu hoạch tràm tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ. |
Bí thư Chi bộ ấp 14, xã Nguyễn Phích Phạm Hồng Tím - một cô gái mới bước qua tuổi 25 - phấn khởi cho biết, ấp 14 bây giờ có thể nói là ấp kiểu mẫu của vùng rừng U Minh Hạ. Từ khi con lộ nhựa được Nhà nước đầu tư xây dựng, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thay đổi. Toàn ấp có 126 hộ, nhưng có tới 100 hộ đủ ăn trở lên. Đặc biệt, trong số này có khoảng 15 hộ có mức thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm; chỉ còn 26 hộ nghèo, chủ yếu là các gia đình mới tách hộ.
Từ năm 2008, ấp 14 được công nhận là ấp văn hóa, sự kiện này làm nức lòng người dân nơi đây. Hiện nay, ấp có 98% hộ sử dụng nước sạch, 78% hộ sử dụng điện (chủ yếu điện chia hơi). Nếu được Nhà nước đầu tư kéo điện về phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân nơi đây thì con đường đi lên xây dựng nông thôn mới sẽ đến gần hơn.
Cột mốc đánh dấu sự đổi đời người dân dọc theo tuyến 93 là từ năm 2006, khi Dự án JICA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân dưới tán rừng. Ngoài những mục tiêu hưởng lợi thiết thực mà dự án đem lại cho người dân đã có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư dưới tán rừng.
Việc đầu tư đào khuôn hộ, tách lúa ra khỏi rừng, lên liếp trồng tràm thâm canh là bước tiến mới trong việc phát triển kinh tế rừng, không những rút ngắn chu kỳ khai thác tràm mà còn góp phần tăng sản lượng và giá trị kinh tế rừng. Người dân chủ động hơn trong sản xuất, nhiều hộ bắt đầu sản xuất lúa 2 vụ đạt năng suất khá cao. Tận dụng bờ bao xung quanh khuôn hộ trồng chuối và các loại cây ăn trái khác góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Ông Phạm Chí Nhẫn, ấp 14, bộc bạch: “Gia đình tôi được cấp 7 ha đất (5 ha rừng, 2 ha nông nghiệp), nhờ tận dụng hết diện tích sản xuất trồng lúa 2 vụ kết hợp nuôi cá, trên bờ liếp trồng chuối mà mỗi năm gia đình thu nhập gần 70 triệu đồng. Đối với 5 ha trồng tràm thâm canh hiện đang phát triển rất tốt, đến chu kỳ khai thác cầm chắc thu nhập vài trăm triệu đồng”.
Sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh trong những năm qua đã tạo động lực giúp đời sống cư dân vùng rừng thêm khởi sắc. Từ đầu kinh Khai Hoang vào tuyến T29, cư dân khá lên rất nhiều. Có hơn 20 ngôi nhà tường khá kiên cố mọc lên, một số khác đã mua vật liệu xây dựng, chờ khi thu hoạch vụ mùa, ăn Tết xong là xây nhà mới.
Thêm cơ hội làm giàu
“Nút thắt” trong cơ chế quản lý rừng tràm giờ đây được cởi trói. Người dân dưới tán rừng có nhiều cơ hội lựa chọn sinh kế làm giàu. Theo ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, đất rừng U Minh Hạ rất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần cây tràm. Vấn đề còn lại là phải thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế rừng.
Thu hoạch tràm tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ. |
Một thời gian dài, người dân trên lâm phần bám lấy cây tràm và trồng theo phương pháp truyền thống, phân tán nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Do đó, người dân dưới tán rừng không trụ nổi do cuộc sống quá bấp bênh, nghèo khó.
Phân trường 30/4 là một hình mẫu phát triển kinh tế rừng khá lý tưởng. Ngoài diện tích rừng trồng quảng canh đang phát triển tốt thì không ít hộ dân mạnh dạn đầu tư kê liếp trồng tràm thâm canh để rút ngắn chu kỳ khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Nằm xen trong ruột rừng là những vườn cây ăn trái sum suê. Tận dụng mặt nước dưới tán rừng, người dân còn nuôi cá đồng, nuôi ba ba… mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Trần Văn Hiếu phấn khởi khoe, cây keo lai chính là cây trồng cứu cánh cho người dân nơi đây. Bởi khi chuyển sang rừng kinh tế thì người dân và doanh nghiệp phải lựa chọn cây trồng gì có hiệu quả kinh tế cao hơn để sản xuất. Theo tính toán, 1 ha trồng keo lai chu kỳ thu hoạch chỉ mất 4 năm, nhưng hiệu quả kinh tế thu được khoảng 100 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần trồng tràm thâm canh.
Cây mía cũng là cây trồng thích hợp với đất rừng U Minh Hạ. Qua thực tiễn sản xuất của người dân nơi đây, 1 ha mía thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trồng keo lai và trồng mía đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá cao, cần có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thì người dân và doanh nghiệp mới có khả năng sản xuất đại trà, vực dậy kinh tế rừng phát triển nhanh hơn trong thời gian tới./.