Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Hoài. |
Theo Thạc sĩ Trần Quang Toàn, Trung tâm Phân tích & Quan trắc Môi trường (Viện Y học Lao động & Vệ sinh Môi trường, Bộ Y tế), từ khi quy chế quản lý chất thải bệnh viện được ban hành, các bệnh viện thực hiện quản lý rác thải, nước thải tốt hơn. Tuy nhiên, “các cơ sở y tế vẫn cho rằng, việc xử lý nước thải không phải là nhiệm vụ chính của họ”, ThS Toàn nói.
Tuyến xã và hệ thống y tế dự phòng cũng không khá hơn. TS. Nguyễn Thanh Hà, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa thực hiện xử lý chất thải y tế. Còn các cơ sở y tế thuộc hệ thống y tế dự phòng chỉ xử lý nước thải sơ bộ bằng bể tự hoại, chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Khảo sát của ngành y tế cho thấy, nhiều bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đã cũ. Không ít bệnh viện xử lý vi sinh chưa đạt tiêu chuẩn thải theo quy chuẩn Việt Nam.
Các công trình xử lý nước thải được bàn giao cho các cơ sở y tế thường không được vận hành như mong muốn hay bị trục trặc. Hầu như không bệnh viện nào có đơn vị chuyên vận hành trạm xử lý nước thải nên khi có sự cố xảy ra, thường không có người khắc phục cũng như theo dõi quá trình để đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn.
Chưa giám sát được tế bào độc và kháng sinh
Trong bối cảnh quản lý, xử lý nước thải gần như bị thả lỏng như vậy, đáng chú ý hơn cả là, từ trước đến nay, ngành y tế chưa bao giờ giám sát và xử lý một số thành phần nguy hiểm trong nước thải bệnh viện.
Từ năm 2009, Viện Y học Lao động & Vệ sinh Môi trường cùng với một số đơn vị như Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Viện Vệ sinh Lao động TP.HCM thực hiện chương trình quan trắc của Bộ Y tế, trong đó có quan trắc nước thải bệnh viện.
Kết quả quan trắc cho thấy, nước thải bệnh viện có đặc điểm ô nhiễm chủ yếu như nước thải sinh hoạt chứa vi khuẩn,trong đó có vi sinh vật gây bệnh đường ruột vốn dễ dàng lây truyền qua nước. Một số chất độc tế bào hay dư lượng thuốc kháng sinh cũng có khả năng có trong nước thải bệnh viện. Tuy nhiên, Th.S, Toàn cho hay, đến nay vẫn chưa xác định được hai thành phần độc hại nói trên. Nguyên do là các cơ quan này không có phòng thí nghiệm đủ điều kiện phân tích.
Th.S Toàn cho biết, nhiều bệnh viện lớn trên cả nước thường quá tải bệnh nhân dẫn tới lượng nước thải vượt quá công suất xử lý của hệ thống. Quá tải bệnh nhân, đồng nghĩa với gia tăng xả thải dư lượng kháng sinh và các tế bào độc.
Một số dược phẩm, nếu xả thải mà không xử lý có thể gây nhiễm độc nguồn nước cấp. Đến hết năm 2010, Việt Nam có 13.640 cơ sở y tế các loại. Mỗi bệnh viện có thể thải ra khoảng 0.4 – 0.95 m3 nước thải trên một giường bệnh trong ngày.
Theo TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), nước thải y tế còn có thể chứa kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ. Kim loại nặng có trong nước thải y tế phần lớn là thủy ngân từ nhiệt kế và bạc từ quá trình tráng rửa phim X quang.
Thống kê của Bộ Y tế mới đây cho thấy 67,7% số bệnh viện tuyến trung ương, 56,1% bệnh viện tuyến tỉnh và 44,4% bệnh viện tuyến huyện thực hiện thu gom và xử lý nước thải theo quy định. Như vậy vẫn còn rất nhiều cơ sở y tế xả chất thải lỏng ra môi trường.