Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Qua 5 năm thực hiện Chương trình, nhiều biện pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong thực tiễn quản lý dịch hại trên cây trồng, góp phần nâng cao sản lượng, phẩm chất an toàn và bền vững. Trong đó, có 3 đề tài được nghiên cứu thành công và được ứng dụng rộng rãi gồm: Nghiên cứu sử dụng nấm xanh, nấm trắng trong phòng trừ rầy nâu hại lúa; Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh quản lý bọ Cánh cứng hại dừa; Nghiên cứu ứng dụng nấm Trichoderma sp.
Nghiên cứu sử dụng nấm xanh, nấm trắng trong phòng trừ rầy nâu hại lúa của tỉnh Sóc Trăng từ năm 2003 đến nay đã khẳng định được hiệu quả của việc sử dụng nấm vi sinh trên hệ sinh thái đồng ruộng. Ứng dụng trên đã được Cục Bảo vệ Thực vật công nhận là giải pháp tiến bộ kỹ thuật, bước đầu đã thực hiện được “xã hội hóa” trong phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của nông dân, chuyên viên kỹ thuật, nhà quản lý và nhà khoa học. Chi phí phòng trừ rầy nâu bằng chế phẩm sinh học thấp hơn cách trị bằng thuốc hóa học, không gây ô nhiễm môi trường lại góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn theo trong sản xuất lúa theo hướng GlobalGap.
Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh quản lý bọ Cánh cứng hại dừa. Kết quả từ cuộc nghiên cứu được đánh giá là một thành quả to lớn không chỉ về mặt phòng trừ bọ Cánh cứng hại dừa mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về phòng trừ sinh học đối với dịch hại trên cây trồng cả ở Sóc Trăng và các tỉnh, thành lân cận.
Nghiên cứu sử dụng nấm Trichoderma sp được ứng dụng để giúp phân hủy rơm rạ sau khi thu hoạch, giúp nông dân khắc phục được những thiệt hại do lúa bị ngộ độc hữu cơ trên những vùng đất canh tác 3 vụ/năm. Đồng thời, nghiên cứu còn được ứng dụng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và phòng trị bệnh trên rau màu. Việc nghiên cứu đã giúp nông dân người trồng lúa giảm được 60% lượng phân hóa học (NPK); giúp người trồng màu tự ủ được phân hữu cơ vi sinh, giảm được 40-50% giá thành so với phân cùng loại trên thị trường, các mô hình chuyên canh màu an toàn cho thu nhập trung bình từ 70-100 triệu đồng/ha/năm. Độ phì nhiêu của đất đai và năng suất của giống cây trồng luôn được tăng lên đáng kể.
Theo ông Vương Hổ, Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng, kết quả trên là nhân tố đóng vai trò qua trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, góp phần cho sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp-nông thôn. Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học của các ngành và nhân dân trong tỉnh được nâng lên đáng kể. Trong giai đoạn 2011-2015, Sở KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp…/.