Các cửa hàng bán rau an toàn xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội, tuy nhiên hàng hóa ở đó không phải lúc nào cũng thực sự là rau sạch. Nhiều cuộc kiểm tra đã phát hiện không ít cửa hàng đề biển rau an toàn nhưng lại không có giấy phép, hàng hóa cũng không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, nếu muốn “kết” một địa chỉ nào đó, bạn đừng ngại hỏi xem giấy phép kinh doanh rau an toàn còn hiệu lực. Nếu có giấy phép, chắc chắn chủ hàng sẽ cho xem ngay để tự quảng cáo.
|
Việc phân biệt rau an toàn bằng mắt thường rất khó. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thanh Minh, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội, một số dấu hiệu có thể giúp bạn tăng khả năng chọn đúng loại rau an toàn:
- Vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Điều này không chỉ đúng với các loại rau muống, ngót, cải mà còn thấy cả ở cải bắp: Lớp vỏ ngoài có vẻ khô cứng hơn, ít độ bóng.
- Củ quả an toàn thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá “cũ kỹ”.
- Những quả cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.
|
- Các loại rau cải thường vẫn có những cái lỗ do sâu gây ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nghị, kỹ thuật viên Hợp tác xã rau sạch Cổ Loa, những dấu hiệu trên không phải lúc nào cũng đúng. Quy trình trồng rau sạch vẫn được phép dùng thuốc bảo vệ thực vật miễn là loại nằm trong danh mục cho phép, dùng đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly.
Do đó, rau sạch không nhất thiết phải cằn khô hay bị sâu cắn mà vẫn có thể đẹp mắt, tuy không đến mức láng mượt như rau không sạch. Vì vậy, các bà nội trợ ngoài việc phân biệt bằng mắt còn cần tìm đến những điểm bán rau an toàn có giấy phép.
Ngoài ra, các bà nội trợ không nên mua rau củ trái vụ vì cây trái mùa năng suất thấp, dễ sâu bệnh, khiến người trồng sử dụng thuốc kích thích và trừ sâu với hàm lượng lớn hơn.
Quy trình sản xuất rau sạch: Đất sạch, tưới nước giếng khoan hoặc nước sông lớn không ô nhiễm (chất lượng đất, nước được cơ quan chức năng kiểm tra và công nhận). Không dùng phân tươi hay bón đạm nhiều. Hạn chế tối đa chất kích thích sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và sau một thời gian quy định mới được thu hoạch.