Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đầu tháng 12 năm nay, trong các cuộc trao đổi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 (COP 17), Mạng lưới Mây Tre Quốc tế (INBAR) đã trình bày sáng kiến phát triển công nghệ than tre mới tại châu Phi.
Đây là sáng kiến đầu tiên về việc chuyển giao công nghệ than tre từ Trung Quốc sang khu vực châu Phi cận Sahara để sản xuất nhiên liệu sinh học “xanh” bằng cách sử dụng các loài tre bản xứ sẵn có ở nhiều nơi trên khắp “lục địa đen”.
Dự án này đã được Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ chung cho Hàng hóa (Common Fund for Commodities) tài trợ, nhằm khuyến khích dùng than và củi tre thay vì sử dụng gỗ rừng – loại nguyên liệu mà khoảng 80% cư dân nông thôn thuộc khu vực châu Phi cận Sahara vẫn thường xuyên sử dụng làm chất đốt.
Theo lời bà Coosje Hoogendoorm, Tổng Giám đốc INBAR, thì 2 triệu USD sẽ là khoản kinh phí đầu tư cho ý tưởng này trong vòng 4 năm (2009 – 2013), với những dự án mở đầu đã được triển khai ở Ethiopia và Ghana năm 2009, từng bước dạy người dân trồng tre, sản xuất được than tre và củi tre tốt nhất, đồng thời thành lập ra ba trung tâm công nghệ than tre ở cả hai nước nói trên.
Bà Coosje Hoogendoorm cho biết: “Chúng ta đã có 1.700 nông dân phụ trách quản lý tre dùng cho sản xuất năng lượng, 42 doanh nghiệp tương đối nhỏ dưới hình thức các hộ gia đình đơn lẻ chuyên làm than tre trực thuộc ba hiệp hội tại hai nước Ethiopia, Ghana và cũng đã có khoảng 350 gia đình đang sử dụng nhiên liệu sinh học từ than tre để nấu nướng”.
Chỉ có điều, thách thức chính hiện nay là việc mở rộng quy mô và phổ biến những loại hình công nghệ mới tới những vùng đất khác ở châu Phi, bà Coosje Hoogendoorm nhận định.
Vốn dĩ tre lớn rất nhanh, nên việc chặt tre chẳng những không làm gia tăng nạn phá rừng mà còn giúp giảm bớt lượng CO2 vì tre cũng là một nguồn dự trữ các-bon, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, theo như kết luận trong một báo cáo của INBAR được công bố tại COP 16 tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về sản xuất và sử dụng than tre. Các đối tác Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ châu Phi ứng dụng các thiết bị sản xuất than tre.