Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
“Thân cò” lặn lội
Hà Nội những ngày cuối năm, cái lạnh như cắt da cắt thịt trên bãi rác thải công trường hoang vắng. Núi rác khổng lồ, với đủ loại phế thải, giấy bóng, xỉ than, sắt vụn, bìa các-tông, gỗ mục… Chốc chốc, từng cơn gió thổi tới làm bốc khói, bụi bay mù mịt, trắng xóa cả công trường. Nếu không để ý, tôi đã không nhận ra những người phụ nữ nhỏ thó, tay xách, tay mang đang lúi húi đào bới giữa núi rác khổng lồ này.
Gắn bó với chiếc xe đạp suốt hai năm nay, dù ngày nắng, ngày mưa, chị Nguyễn Thị Gấm, 42 tuổi quê ở Thái Thụy, Thái Bình vẫn đạp xe đến các bãi rác thải trên đường phố Hà Nội.
Trước đây chị Gấm làm phụ hồ xây dựng cùng chồng, sau một vụ sập giàn giáo, chị bị thương nặng, thế là chuyển sang nghề đồng nát. Những thứ rác thải tưởng chừng đã vứt đi thì với chị Gấm lại là thứ có “giá trị”. Chị Gấm cho biết: “Chúng tôi nhặt nhạnh bất kể phế liệu gì, từ túi bóng, sắt vụn, hộp nhựa, củi khô, bìa các-tông. Nhặt xong về phân loại rồi đem bán cho các điểm thu mua phế liệu. Ngày may mắn thì được 60-70 ngàn đồng, ngày vắng, mưa gió thì vài ba chục. Nhưng nếu không nhặt rác nữa thì sáu đứa con của tôi ở quê lấy gì mà sống”.
Chị Gấm nhớ lại: Có nhiều hôm một, hai giờ sáng, nghe điện thoại được tin có xe vào công trường đổ rác, thế là cả phòng chị, gần chục người tất tả, đeo khẩu trang, dắt xe phóng một mạch ra bãi rác, làm quần quật cho đến sáng mới về. Thế nhưng, không phải ai cũng được tự do vào nhặt rác công trường, mỗi lần các chị phải đóng cho bảo vệ 10 ngàn đồng.
Tôi gặp Nguyễn Thị Thúy, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm. Thuý mới 23 tuổi, nhưng đã có một cháu năm tuổi, nay đang mang bầu cháu thứ hai, được gần bốn tháng. Hằng ngày, Thúy vẫn hoà cùng dòng người đi nhặt rác.
Thúy ôm một bao tải to trên người, với dụng cụ luôn thường trực trên tay là chiếc xẻng nhỏ, một thanh sắt có gắn nam châm. Thúy tâm sự: “Bọn em thường gom những thanh gỗ lại, đốt cháy thành than, sau đó dùng nam châm hút lấy đinh bán. Nghề này vất vả lắm anh ạ, mặc dù bị nhiều người dị nghị, nhưng bọn em vẫn động viên nhau không có gì phải xấu hổ, mình kiếm sống bằng mồ hôi, nước mắt chứ không ăn trộm ăn cắp gì của ai mà sợ. Mỗi tháng tiền kiếm được, em gửi về cho ông bà nuôi cháu ở quê’’.
Cũng vất vả như chị Gấm và Thúy là chị Nguyễn Thị Hằng, 38 tuổi quê ở Giao Thủy, Nam Định. Chị Hằng có ba con đều gửi gắm cho ông bà ở quê, cả hai vợ chồng chị đều đi làm ở Hà Nội. Chị Hằng cho biết: “Làm nghề này bị gai sắt, đinh nhọn đâm vào tay chảy máu là thường tình. Có người từng bị kim tiêm đâm vào tay nhưng rồi cũng chả dám đi khám. Không ít lần bị dân người ta đuổi đi vì nghĩ mình là ăn cắp đang lục lọi trước cửa. Nhiều khi nghĩ buồn tủi lắm chú ạ. Nhưng biết làm sao được, không làm thì lấy gì nuôi con?”.
Nhặt rác xây giấc mơ
Cùng chung cảnh ngộ, những người phụ nữ nhặt rác sống chắt chiu, đạm bạc, nương tựa vào nhau trong những căn phòng tạm bợ, cũ nát. Thế nhưng biết bao câu chuyện cảm động, chứa chan tình người qua lời kể của các chị.
Tôi ghé thăm một chỗ trọ của những người phụ nữ nhặt rác tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Căn phòng chật hẹp, tối tăm, bức tường hoen ố, chiếc phản dài kê thành giường ngủ cho mười người ở chung. Không ít các chị đưa cả cháu nhỏ lên sống cùng, như chị Nguyễn Thị Len, quê ở Đông Hưng, Thái Bình. Hằng ngày đi làm, chị phải gửi con cho bác chủ nhà trông nom. Những đứa trẻ từ nhiều miền quê nông thôn bỗng trở nên thân quen, cùng nhau lớn lên dưới những căn phòng tạm bợ này.
Đến xóm trọ ai cũng trầm trồ khen ngợi tấm gương em Nguyễn Văn Đương, 23 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình. Bác Trần Văn Khanh, 56 tuổi chủ xóm trọ cho biết: “Năm 2006, ba mẹ con cháu Đương lên thuê trọ nhà tôi. Hoàn cảnh rất khó khăn, bố Đương mất sớm, một mình chị Nguyễn Thị Dút nuôi nấng ba đứa con. Hằng ngày chị Dút đi nhặt rác, kiếm tiền. Thương mẹ cháu Đương ban ngày cũng đi theo phụ giúp mẹ nhặt rác, ban đêm thì học bài ôn thi đại học. Hiện nay cháu Đương đang là sinh viên năm cuối trường Đại học quốc tế Bắc Hà”.
Để tiết kiệm, chắt chiu, các chị thường ở ghép cùng nhau đến cả chục người trong một phòng. Chị Gấm kể: “Mỗi ngày chúng tôi đóng tiền ăn 10 nghìn đồng/người. Mỗi người nấu ăn một ngày. Gạo, mắm mang ở quê ra. Cũng vì mưu sinh thôi, chứ nhà cửa ở quê để trống không cả”.
Nhắc đến con, Thúy nói như mếu. Đã lâu rồi Thúy không về thăm con, Thúy bảo: “Làm việc vất vả cả ngày nhưng không lúc nào thôi nhớ đến con. Lần trước em về, thấy mẹ nó cứ ôm chặt lấy người không cho mẹ đi nữa. Nhiều lúc ứa nước mắt vì thương con”. Chị Gấm thì khoe rằng, con út của chị mới học lớp 7 nhưng cô con gái đầu đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học y ở Thái Bình. Chị tâm sự: “Tôi chỉ mong các con nên người, ăn học đến nơi đến chốn. Dù có phải vác trên vai cả tạ xi-măng, hay chui lủi ở bãi rác nào tôi cũng chấp nhận”.
Về đêm, trời càng thêm lạnh, các chị bảo phải đi ngủ sớm, phần vì mệt mỏi, phần vì sáng mai phải dậy sớm đi nhặt rác. Dẫu vất vả, khổ cực, tai họa, bệnh tật luôn rình rập nhưng tôi vẫn thấy ánh lên trong đôi mắt, nụ cười của các chị niềm lạc quan, hy vọng vào ngày mai.